Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Những điều cần lưu ý về sức khỏe trẻ vị thành niên

Tuổi vị thành niên (VTN) hay tuổi dậy thì theo Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (Bộ Y tế, 2016) là lứa tuổi từ 10-18 tuổi. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thiếu nhi và tuổi trưởng thành.

Treem.jpg
Trẻ vị thành niên cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
 

     Tuổi vị thành niên là giai đoạn đặc biệt trong quá trình phát triển của một con người vì có sự thay đổi mạnh mẽ về cả về thể chất, tinh thần, tình cảm và cách ứng xử.  Tuổi dậy thì thường diễn ra trong khoảng từ 10 đến 18 tuổi và được chia thành 3 giai đoạn: 

     Giai đoạn đầu (10 – 13 tuổi): là giai đoạn khởi đầu của tuổi dậy thì. Cơ thể phát triển một cách nhanh chóng. Những thay đổi trên cơ thể thường làm cho một số bạn bối rối, e thẹn và lo lắng. Bạn bè cùng tuổi trở nên vô cùng quan trọng, đôi khi các em lo lắng không biết các bạn khác nghĩ gì về mình. 

    Giai đoạn giữa (14 – 16 tuổi): ở độ tuổi này, các em tự nhận thấy những thay đổi rõ rệt trên cơ thể mình, tự cảm nhận mình có vẻ người lớn hơn, muốn khám phá về người khác, có nhu cầu tình yêu và tình dục. Các em thường kết bạn theo nhóm bạn thân và mỗi nhóm có phong cách riêng. 

    Giai đoạn cuối (17 – 18 tuổi): độ tuổi này các em đã khá độc lập trong suy nghĩ, ứng xử và chọn bạn; có quan niệm cụ thể về vẻ đẹp và yêu đương một cách thực tế; bắt đầu có quan điểm riêng về đạo đức và cách ứng xử trong xã hội.

    Tuy nhiên, sự phân chia nói trên chỉ có tính tương đối và có thể khác nhau ở từng người, tùy thuộc vào gen di truyền, chế độ ăn uống, sinh hoạt, giáo dục của gia đình và nhà trường, môi trường sống...  

    Thay đổi tâm, sinh lý ở tuổi vị thành niên 

    Đây là thời kỳ phát triển đặc biệt, cha mẹ, thầy cô giáo cần hiểu rõ về các đặc điểm tâm sinh lý và những thay đổi trong độ tuổi này để tiếp cận, hỗ trợ các em một cách phù hợp, thân thiện và hiệu quả. 

    Về tâm lý, ở tuổi dậy thì các em thường có những biểu hiện thay đổi về tâm lý như: cảm xúc thay đổi thất thường, khó kiểm soát được tâm trạng, dễ dàng tức giận vô cớ, đôi khi im lặng hoặc đáp lại câu hỏi của người lớn một cách thiếu lễ phép; thích thể hiện cái “tôi” của mình, muốn khẳng định bản thân trước mặt nhiều người; muốn làm chủ suy nghĩ và hành động của mình nhiều hơn trước; mong muốn tìm hiểu kỹ lưỡng về cấu tạo của cơ thể mình, bắt đầu quan tâm đến làm đẹp thường xuyên hơn; rất dễ rung động về mặt tình cảm, đôi khi nhầm lẫn giữa tình cảm bạn bè và tình yêu đôi lứa; có mong muốn kết nối với nhiều bạn bè, hành vi của các em chịu nhiều ảnh hưởng từ nhóm bạn chơi cùng… 

    Về mặt sinh lý, ở tuổi này các em có sự thay đổi rõ rệt về cân nặng, chiều cao, cơ quan sinh sản. 

    Nguy cơ về sức khỏe sinh sản có thể gặp ở VTN

    Trước những thay đổi về tâm sinh lý cộng với các em thiếu kỹ năng và đặc biệt là thiếu tiếp cận tới các nguồn thông tin tin cậy cũng như các dịch vụ tư vấn, dự phòng và hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho VTN…dẫn đến dễ bị dụ dỗ, mua chuộc, lừa gạt, xâm hại và dễ bắt chước.

    Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng VTN Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về SKSS, sức khỏe tình dục (SKTD) như: quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS… Bên cạnh đó, việc lạm dụng các chất gây nghiện có ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tâm lý của VTN, tác động làm gia tăng hành vi không an toàn về SKSS, SKTD.   

    Một số lưu ý về chăm sóc sức khỏe trẻ vị thành niên

    Tuổi dậy thì là tuổi đẹp nhất của đời người, có rất nhiều điều tuyệt vời chào đón VTN trong thời kỳ này. Để tránh những nguy cơ về sức khỏe có thể gặp ở tuổi VTN, cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn trẻ cách chăm sóc sức khỏe bản thân như:

    Chế độ ăn ngủ điều độ: ăn đủ bữa, đủ chất; uống đủ nước, tránh nước có ga, nước ngọt đóng chai. Phân bố thời gian ngủ nghỉ phù hợp, không thức khuya. Ngủ đủ giấc và đúng giờ sẽ có giấc ngủ sâu, tạo điều kiện để hóc môn tăng trưởng sản sinh trong lúc ngủ. 

    Thực hiện vệ sinh cơ thể thường xuyên: tắm rửa hàng ngày bằng nước sạch, ở nơi kín gió, đặc biệt là bộ phận sinh dục. Thay quần áo ít nhất 2 lần mỗi ngày, trước khi đi học và sau khi về nhà. Chải tóc hàng ngày, gội đầu sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên. 

    Ngoài ra cần rèn luyện về kỹ năng sống cho trẻ; giúp trẻ phân biệt rõ ràng giữa tình yêu và tình bạn khác giới trong sáng, để có tình bạn đẹp, tình yêu đẹp và thực sự là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời. Tránh xa những hình ảnh, sách báo, phim ảnh, trang web khiêu dâm, đồi trụy; tránh xa rượu, thuốc lá, ma túy.

BS.Hồ Thị Hồng 

CDC Đồng Nai



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn