Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Chủ động phòng chống bệnh lây từ động vật sang người

Cho đến nay, thế giới đã ghi nhận khoảng 200 bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người với nhiều tác nhân khác nhau. Để phòng chống các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, cần tiêm phòng cho vật nuôi như tiêm phòng dại cho chó, tiêm ngừa cúm cho gia cầm, chăn nuôi sạch, không ăn tiết canh, rửa tay sạch sau khi giết mổ gia súc, gia cầm…

TIEMVX.jpg
Người dân bị chó cắn đến tiêm vắc xin ngừa dại tại CDC Đồng Nai. 
 

     70% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật 

    Hiện nay, trên thế giới đang phải đương đầu với sự xuất hiện và lan truyền của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong số đó, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật. Các bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người như: Cúm gia cầm (A/H1N1, A/H7N9,...), COVID-19, bệnh dại, sốt xuất huyết, các bệnh viêm não - viêm màng não, liên cầu lợn, bệnh giun sán, bệnh than, bệnh dịch hạch có nguồn gốc từ chuột cống và một số loại thú gặm nhấm.

    BS.CKI Phan Văn Phúc - Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cho biết: “Bệnh lây truyền từ động vật sang người có thể trực tiếp hoặc qua những trung gian gây bệnh, đáng lo ngại nhất trong số đó là bệnh dại. Sau 8 năm (2014), bệnh dại đã quay trở lại và ghi nhận 3 ca tử vong (năm 2022: 1 ca và 8 tháng đầu năm 2023: 2 ca) trên địa bàn TP.Biên Hoà, H.Trảng Bom và H.Thống Nhất”.

    Mặc dù đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm, tuy nhiên nguy cơ nhiễm cúm gia cầm sang cho người trên địa bàn tỉnh vẫn có thể xảy ra. Bởi hầu như năm nào cũng có trường hợp dương tính cúm AH5N1 trên đàn gia cầm của tỉnh, đặc biệt là những điểm buôn bán gia cầm vãng lai. 

    Bên cạnh đó, hiện nay một số bệnh lưu hành tại địa phương có tác nhân lây từ động vật sang người như sốt xuất huyết Denge, sốt rét…

Cần chủ động phòng chống 

    BS Nguyễn Thị Kim Cúc – Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế H.Trảng Bom cho hay, hiện nay trên địa bàn huyện nổi lên ổ dại ở chó tại xã Sông Trầu vào cuối tháng 7/2023, cho nên ngành y tế phối hợp chặt chẽ với ngành thú ý đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về đường lây, cách phòng tránh cho người dân. Bên cạnh đó, lãnh đạo trung tâm y tế cũng cố gắng chuẩn bị vắc xin phòng bệnh dại để đáp ứng nhu cầu của người dân. 

    “Tại huyện Xuân Lộc, ngoài các biện pháp mà ngành y tế và các ngành liên quan thực hiện để phòng bệnh lây từ động vật sang người, thì trung tâm  tăng cường công tác truyền thông về các loại dịch bệnh để cho người dân chủ động phòng chống” - BS Nguyễn Văn Kiên – Phó giám đốc  Trung tâm y tế H. Xuân Lộc chia sẻ. 

    Theo BS Phúc, đối với nhóm chăn nuôi và vận chuyển gia cầm, đây là nhóm nguy cơ cao nhất, vì họ tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với tất cả các loại gia cầm với số lượng lớn, có thể gia cầm bị ốm, trong giai đoạn ủ bệnh. Để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, việc trang bị bảo hộ cá nhân cho nhóm này là rất cần thiết, đặc biệt là hoạt động khử trùng sau khi làm xong các công việc. Cần khử trùng tay, súc họng nước muối, khử trùng các phương tiện tiếp xúc kể cả chuồng trại, xe cộ vận chuyển, các lò giết mổ. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Vì đây là nguy cơ tiềm ẩn không thể xác định được.

    Người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; Đặc biệt, người dân khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, tổn thương phổi có liên quan, tiếp xúc với nguồn gia cầm bệnh, chết…cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

    Đối với những loại bệnh đã có vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, chủ nuôi động vật cần phối hợp với cơ quan chức năng để tiêm phòng cho vật nuôi. Với những bệnh có vắc xin cho người trước và sau phơi nhiễm, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin khi có nguy cơ để phòng bệnh. Còn đối với bệnh chưa có vắc xin, cần giữ vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch kháng khuẩn sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với động vật, hay môi trường đất, nước bên ngoài, trước và sau khi chăm sóc người bệnh…; không khạc nhổ bừa bãi, khi ho hay hắt hơi phải dùng tay, khăn che miệng rồi rửa tay, giúp phòng tránh phát tán bệnh nếu có. Đảm bảo ăn chín, uống sôi; ngủ màn; có chế độ dinh dưỡng hợp lý…

Mai Liên



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn