Liên kết website

Các đơn vị trực thuộc

Lượt truy cập

Chủ động phòng ngừa bệnh dại

Hiện nay tình hình dịch bệnh dại trên cả nước diễn biến phức tạp, số ổ dịch dại trên chó, số người bị chó cắn và tử vong do bệnh dại tăng. Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc, người dân cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành chức năng trong phòng chống bệnh dại như: khi thả chó ra đường phải rọ mõm; tiêm phòng dại cho chó mèo; khi bị chó mèo cắn, cào cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ…

VXin.jpg
Khi bị chó mèo cào, cắn phải đến cơ sở y tế để được hướng dẫn tiêm vắc xin phòng bệnh dại. 
 

     Dịch bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp

    Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 ổ chó dại tại xã Đồi 61 (H.Trảng Bom) và xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch), đáng chú ý là 2 ổ dịch dại trên chó đã cắn 5 người, trong đó có 2 trẻ em. 

    Riêng năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 20 ổ dịch dại trên chó tại 7 huyện, thành phố, trong đó có những xã ghi nhận 2-3 ổ như xã Túc Trưng (H.Định Quán) 3 ổ; xã Sông Trầu (Trảng Bom) 2 ổ; đặc biệt có những ổ dịch, chó dại đã cắn 2-3 người như tại Phường Trảng Dài (TP.Biên Hoà).  

   Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, việc xuất hiện các ca bệnh dại trong thời gian qua là bất thường vì từ năm 2014 đến tháng 12-2022, toàn tỉnh không ghi nhận ca bệnh dại nào trên động vật và người. Dịch bệnh Dại năm 2023 trên địa bàn tỉnh tăng đột biến so với năm 2022, hiện tỉnh Đồng Nai đang đứng thứ 3 trong cả nước về rất nhiều chỉ tiêu, cho thấy các biện pháp phòng, chống bệnh dại thời gian qua chưa hiệu quả, dịch bệnh xu hướng ngày càng tăng. Nguyên nhân bắt nguồn từ người nuôi chó, mèo còn rất chủ quan, chưa chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh; chó, mèo đa phần là thả rông, người dân dắt chó đi dạo cũng không rọ mõm, khi 1 con bị chó dại cắn sẽ lây lan nhanh mầm bệnh dại trong cộng đồng. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người nuôi chó, mèo không chấp hành các quy định về quản lý chó, mèo và tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi vẫn chưa triển khai thực hiện.

    Qua điều tra dịch tễ tại các ổ dịch, ngành chức năng nhận định tình hình dịch bệnh dại đang có diễn biến phức tạp và mầm bệnh dại đã lưu hành âm thầm trên diện rộng. “Chó, mèo ở những khu vực đã có ca bệnh hầu hết đều được nuôi thả rông không rọ mõm và chưa được tiêm phòng dại. Khi đã có mầm bệnh mà chó, mèo được thả rông tiếp xúc, cào cấu, cắn nhau sẽ làm lây lan mầm bệnh” - ông Giang cho hay.

   Theo Chi cục chăn nuôi và Thú y, công tác phòng chống bệnh dại gặp nhiều khó khăn nhất định như: Việc thống kê đàn chưa sát với thực tế, có thể thấp hơn rất nhiều lần, dẫn đến nhận định sai trong công tác đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kết quả tiêm phòng dại từ đầu năm 2023 đến nay là 100.396/139.110 con tổng đàn, đạt tỷ lệ 72,17% là tỷ lệ tiêm phòng cao, về lý thuyết đã có thể dần khống chế được dịch bệnh, trong khi đó kết quả điều tra dịch tễ các ổ dịch thì rất thấp trung bình dưới 20% tổng đàn; dịch bệnh dại từ tháng 7/2023 đến nay có xu hướng tăng về số ca bệnh, địa bàn càng ngày càng rộng.

    Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa

    BS.CKI Phan Văn Phúc – Trưởng khoa Phòng, chống bệnh Truyền nhiễm, CDC Đồng Nai cho biết: Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vi rút dại có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua mọi loại vết thương hở, không phân biệt lớn nhỏ, chảy máu hay không. Bệnh có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể chỉ từ 7 - 10 ngày hoặc kéo dài đến vài tuần, vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn. Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, ngón tay… có thời gian ủ bệnh càng ngắn. 

    Tại Việt Nam, vi rút gây bệnh dại lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do dại, hơn 500 ngàn người phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại, chi phí 600 tỉ đồng. Hầu hết các ca tử vong do bệnh dại đều không rõ lịch sử tiêm ngừa hoặc không tiêm khi bị chó, mèo cào và cắn.

    Bác sĩ Phúc khuyến cáo, khi bị chó mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cào, cần sơ cứu vết thương để giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Các bước sơ cứu có thể thực hiện ngay tại nhà gồm rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng trong 15 phút, sau đó rửa lại vết thương bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn i- ốt. Sau bước sơ cứu, cần đến ngay cơ sở tiêm chủng gần nhất để được thăm khám và đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Tuyệt đối không nên nặn máu, chà xát, tránh gây dập nát, không băng kín vết thương khiến vi rút dại xâm nhập nhanh hơn vào cơ thể. Đặc biệt, không tự ý sử dụng các loại thuốc Nam để chữa trị. 

    Trước tình hình dịch bệnh dại diễn biến phức tạp, tháng 8/2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai khẩn cấp các giải pháp phòng chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện xử lý không để dịch bệnh lây lan, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, nhất là tiêm phòng bao vây ổ dịch; Tổ chức rà soát thống kê số hộ nuôi chó mèo và yêu cầu cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành nuôi nhốt chó mèo. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người nuôi chó mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, rọ mõm khi đưa chó ra ngoài. Đảm bảo việc tiếp cận vắc xin phòng bệnh dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người dân bị chó mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để điều trị dự phòng kịp thời. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm theo quy định về nuôi chó, về tiêm vắc xin dại được quy định theo pháp luật.

    Cùng với đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong phòng, chống dịch và quản lý chó, mèo nuôi. Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tăng cường giám sát, kiểm soát bệnh dại, phát hiện, xử lý ngay các trường hợp chó mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng qua nhiều hình thức, để người dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh dại, cách phòng, chống bệnh dại. Tăng cường kiểm soát, kiểm dịch, vận chuyển chó và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển chó bất hợp pháp theo quy định của pháp luật về thú y.

Mai Liên



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ ĐỒNG NAI
Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai
Địa chỉ: Số 2 Phan Đình Phùng, P. Quang Vinh, Tp. Biên Hòa, Đồng Nai​
Số điện thoại: 02513.942641 - Fax: 02513.847269
Email: syt@dongnai.gov.vn